Một hoạt động ý nghĩa - Hoạt động trải nghiệm tham quan học tập tại Lăng Bác, Văn miếu Quốc Tử Giám, Làng gốm Bát Tràng
Năm học 2021-2022
Trong chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 hoạt động trải nghiệm là hoạt động tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thể hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
Ở cấp tiểu học, Hoạt động trải nghiệm với mục tiêu giúp hình thành, phát triển ở học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; Ngoài ra, Hoạt động trải nghiệm còn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn, đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc văn hóa của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.
Với ý nghĩa sâu sắc đó, thực hiện sự chỉ đạo của PGD&ĐT quận Hồng Bàng; Kế hoạch số 30/KH-THHV ngày 31 tháng 8 năm 2021 Kế hoạch Giáo dục nhà trường năm học 2021-2022 trường Tiểu học Hùng Vương xây dựng Kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm tham quan học tập tại Lăng Bác, Văn miếu Quốc Tử Giám, Làng gốm Bát Tràng vào ngày 24/4/2022. Với mục đích giáo dục học sinh truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam; Tạo cơ hội cho các em được trải nghiệm thực tế, được rèn các kỹ năng sống; Qua đó giáo dục nét đẹp văn hóa của các làng nghề truyền thống từ đó khơi gợi lòng đam mê nghệ thuật nói chung và bộ môn Mỹ thuật, Tạo hình nói riêng và tăng cường sự phối hợp của giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm chăm sóc học sinh.
Trong năm học 2021-2022 ngoài việc thực hiện chương trình các môn học trường tiểu học Hùng Vương còn tổ chức cho các em tham gia rất nhiều hoạt động có ý nghĩa như Hoạt động trải nghiệm “Ngày Tết quê em” “Hướng về nguồn cội”; “Theo dấu chân Bác Hồ”, Hội thi kể chuyện sách báo với chủ đề “Kể chuyện gương sáng anh hùng nhỏ tuổi”; tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm thực tế, Rung chuông vàng giao lưu các môn học. ngày hội “Trạng Nguyên nhí Hùng Vương” Qua các hoạt động các em được vui chơi, giải trí, được rèn các kỹ năng, từ đó giúp các em hình thành các kỹ năng sống và phát triển một cách toàn diện.
Hoạt động trải nghiệm tham quan học tập tại Lăng Bác, Văn miếu Quốc Tử Giám, Làng gốm Bát Tràng là hoạt động tiếp nối nhằm tạo ra không gian trực quan sinh động góp phần giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế, rèn kỹ năng sống, củng cố kiến thức, tư duy về vật chất, giá trị của lao động. Khi thâm gia vào Buổi trải nghiệm các em học sinh được tham gia rất nhiều hoạt động:
Hoạt động trải nghiệm tại quần thể Lăng Bác với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”
- Các em học sinh được vào Lăng báo công và viếng Bác; được tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ; nghe giới thiệu về Lăng Bác và quá trình xây dựng Lăng Bác.
Ngoài ra các em học sinh còn được tham quan học tập nhiều kiến thức lịch sử:
+ Quảng trường Ba Đình (Quảng trường Độc lập) là quảng trường lớn nhất Việt Nam. Tại đây vào ngày 2/9/1945 trước hàng vạn đồng bào Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam – đánh dấu sự thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
+ Phủ chủ tịch nơi đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia, đoàn đại biểu cấp cao của các Đảng, Chính phủ trên thế giới.
+ Nhà sàn Hồ Chí Minh một biểu tượng của phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Ngôi nhà này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các em học sinh. Một ngôi nhà sàn truyền thống bằng gỗ của người dân tộc miền núi Việt Nam. Cầu thang dẫn lên hai phòng nhỏ bên trong nhà, diện tích các phòng khá nhỏ, chỉ chừa không gian tối thiểu cho sinh hoạt cá nhân – minh chứng cho phong cách sống giản dị của Bác. Xung quanh nhà sàn là vườn, ao nước trong vắt và hàng trăm con cá chép tung tăng bơi lội. Đây là nơi mà Bác Hồ cân bằng cảm xúc và tâm trí của mình.
+ Khu vườn xung quanh lăng có gần 250 loài cây và hoa khác nhau, đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam, tượng trưng cho người dân Việt Nam quây quần bên người cha Hồ Chí Minh vĩ đại. Đặc biệt, hàng tre – loài cây truyền thống của Việt Nam là biểu tượng của sự vững chắc, mềm dẻo, linh hoạt của dân tộc Việt Nam.
+ Bảo tàng Hồ Chí Minh một trong những bảo tàng giàu tài nguyên nhất ở Hà Nội và trong cả nước.
+ Chùa một cột trang nhã tượng trưng cho một bông sen đang mọc lên trên mặt nước.
Hoạt động trải nghiệm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với chủ đề: Tìm về “sự học”của dân tộc
- Khi tham gia vào hoạt động này các em được làm lễ dâng hương và báo công tại Văn Miếu. Sau đó các em được tham quan nghe thuyết minh về Văn Miếu, về thầy giáo Chu Văn An-Người thầy của mọi thời đại.
Hoạt động trải nghiệm nghệ thuật dân gian tại Làng gốm Bát Tràng.
Tại làng Gốm học sinh được tham quan, xem các sản phẩm gốm, quy trình làm gốm, được thực hành nặn gốm, tô sản phẩm tượng từ gốm.
Những hoạt động trải nghiệm trên giúp các em thấy thoải mái hơn sau một năm học và cũng là một hoạt động nối nhịp giữa lý thuyết và thực tiễn đời sống. Qua đó giúp các em được củng cố kiến thức của tất cả các môn học và tư duy về vật chất, giá trị của lao động. Buổi trải nghiệm thu hút 100% học sinh khối 5 và rất nhiều CMHS tham gia, để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên đối với các em sau 5 năm học.
Sau đây xin mời các quý thầy cô và các bậc CMHS đến với 2 bài viết thu hoạch tiêu biểu của học sinh khối 5 trường TH Hùng Vương.
Ấn tượng khi đến với làng Gốm Bát Tràng
Thật may mắn khi chúng mình được là những học sinh của Trường Tiểuhọc Hùng Vương. Hôm nay chúng mình có trải nghiệm thúvị là được đến tham quan làng gốm Bát Tràng - một làng nghề truyền thống lâu đời của Việt Nam.
Cảm nhận đầu tiên chúng mình có được khi đặt chân đến ngôi làng này đó là sự náo nhiệt. Không giống như mọi làng quê khác, ở đây mỗi nhà là một xưởng gốm. Từ già đến trẻ ai ai cũng tất bật với công việc của mình. Người thì vuốt, nặn, vẽ, người thì khuân chuyển hàng hóa..., tất cả đã tạo nên bầu không khí làm việc hăng say.
Sau khi ổn định đội hình, chúng mình được các cô chú hướng dẫn viên dẫn đi tham quan Lò Bầu Cổ, chiếc lò ra đời cách đây hơn một thế kỉ. Trước đây, người làng thường nung đồ gốm trong chiếc lò này bằng than, nhưng bây giờ họ đã chuyển sang nung bằng ga, hiện đại và không gây tác hại đến môi trường. Chúng mình được biết để làm ra một đồ gốm hoàn chỉnh, người thợ gốm phải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn đất, xử lý và pha chế đất cho đến tạo dáng, vẽ hoa văn, sau đó là tạo lớp men phủ và cuối cùng là kỹ thuật nung sản phẩm.
Trong ngày hôm đó chúng mình được trực tiếp trải nghiệm hai công đoạn. Đầu tiên, chúng mình vào vai các bác thợ với đất sét và bàn xoay để tạo ra sản phẩm mộc. Để có được sản phẩm như ý muốn thì quan trọng phải để đất vào vị trí trung tâm của bàn, một người quay, một người vuốt. Mặc dù đã được các bác thợ của làng hướng dẫn tỉ mỉ nhưng xem ra với chúng mình việc làm này không hề dễ chút nào. Sau một hồi loay hoay, tay chân mặt mũi lấm lem hết cả mà chúng mình vẫn chưa ai có được sản phẩm như mong muốn. Dù vậy, chúng mình đều cảm thấy rất vui.
Sau đó chúng mình cùng chuyển sang hoạt động vẽ. Mỗi người chọn cho mình một đồ gốm trơn rồi tự tay vẽ lên đó những gì mình thích. Trông chúng mình chẳng khác gì những nghệ nhân vẽ hoa văn thực thụ. Đúng là chỉ có tự tay tham gia vào công việc mới thấy được sự khó khăn, vất vả của nghệ nhân làm gốm nơi đây.
Một buổi trải nghiệm thú vị ở làng nghề gốm Bát Tràng trôi qua thật nhanh. Cô trò chúng mình chào tạm biệt và không quên gửi lời cảm ơn chân thành tới các nghệ nhân làng gốm - những con người đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cho đời.
Đàm Thị Bích Phượng lớp 5A4
Cảm nhận khó quên khi được về thăm Bác
Hôm nay, em dậy từ sáng sớm, cũng không cần phải chờ mẹ gọi như mọi khi, trong em có một cảm giác rất lạ hối thúc khiến tôi tự nhắc nhở mình: hãy khẩn trương! Em xúng xính trong bộ quần áo đồng phục của nhà trường. Em nhảy chân sáo. Bố nhìn em âu yếmvà dặn em đủ điều. Lúc đó em chỉ muốn chạy nhanh đến trường.
Đồng hành cùng em trong chuyến đi trải nghiệm này là các bạn cùng khối 5 thân yêu. Đúng 7 giờ đoàn xe chúng em khởi hành thẳng tiến tới thủ đô! Con đường đối với chúng em vô cùng lạ lẫm. Chúng em nghiêng ngó nhìn ra ngoài cửa kính để ngắm những dãy phố sang trọng, những tòa nhà cao tầng tới ngút tầm mắt. Anh hướng dẫn viênbắt nhịp cho chúng em hát vang những bài ca về Bác Hồ kính yêu. Những bài ca ấy ở trường chúng em vẫn hát nhưng hôm nay em thấy như hay hơn, sâu lắng và đằm thắm hơn.
Con đường tuy xa nhưng lại hóa gần. Chả mấy chốc chúng em đã đến khu vực Lăng Bác. Mở ra trước mắt em là một không gian mênh mông rộng lớn nằm giữa lòng thủ đô. Em hồi hộp, tim em đập nhanh hơn, háo hức chờ đợi. Chúng em đi theo hàng nối tiếp giữa biển người đang xếp hàng vào lăng viếng Bác. Đường đi bộ vào Lăng Bác khá dài, trời lại lất phất mưa nhưng dù có phải chờ đợi lâu đến đâu, chúng em vẫn trật tự, im lặng. Và em hiểu rằng em cũng như các bạn của mình lúc này đây đều rất đỗi tự hào vì mình là những đại diện thay mặt cho các bạn học sinh toàn trường về đây để báo công và tỏ lòng biết ơn tới Bác.
Giữa Quảng trường Ba Đình lịchsử, Lăng Bác uy nghi mà gần gũi. Phía trước Lăng là dòng chữ “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH”. Trước thềm lăng là hai cây đại to, nở hoa vàng rực, những chậu hoa rực rỡ sắc màu, hương thơm man mác thoảng theo làn gió càng khiến cho không gian nơi này thêm trong lành, thanh tịnh. Em nhớ lại bài học của em “…Hoa ở đâu từ khắp miền đất nước về đây tụ hội đâm chồi và tỏa ngát hương thơm. Ngay thềm lăng mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một đoàn quân danh dự đứng trang nghiêm…”. Em nhẩm đếm: 1,2,3,…Quả đúng như lời nhà văn viết, mỗi cây ở đây đều có lịch sử của nó, nó tượng trưng cho mỗi vùng đất, mỗi miền quê, nó là kết tinh tình yêu của mỗi con người trên khắp dải đất hình chữ “S” thân yêu này.
Sau một chặng đường dài, cả đoàn đã vào tới Lăng Bác. Không khí trong Lăng mát dịu, tĩnh lặng và trang nghiêm. Dòng người nhẹn đi theo hàng di chuyển, mắt hướng về nơi Bác đang yên nghỉ. Bác nằm đó, an lành trong giấc ngủ, nét mặt rạng ngời. Tim tôi như nghẹn lại, bước chân như cố níu chậm hơn để được nhìn ngắm Bác lâu hơn. Hàng người vẫn đi chậm rãi, ngay ngắn. Có lẽ dù là những con người khác nhau đến từ những vùng miền, đất nước khác nhau nhưng tất cả đều mang một cảm xúc giống nhau, đó là lòng thành kính, sự xúc động và bồi hồ khó tả…
Ra khỏi Lăng, các anh chị hướng dẫn viên dẫn chúng em đi thăm quan Phủ Chủ tịch, nhà sàn, ao cá Bác Hồ, nhà Bảo tàng, được nhìn tận mắt từng dụng cụ sinh hoạt của Bác thường ngày: đôi dép cao su, chiếc gậy tre, chiếc mũ cối, bộ quần áo vải bạc màu, chiếc giường Bác nằm, chiếc bàn làm việc, chiếc ghế Bác ngồi …; được xem những thước phim tư liệu quý về cuộc đời của Bác… Tất cả vẫn còn nguyên vẹn hiện hữu trước mắt chúng tôi như Bác vẫn đang còn đó. Tự nhiên em thấy trong mình bỗng dâng lên một cảm giác thật lạ: vừa cảm phục, vừa nhớ nhung, vừa thương tiếc. Em lại nhớ về câu chuyện bà em kể: Năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ ra đi mãi mãi, dưới trờ mưa tầm tã, hàng triệu người đội mưa tiễn đưa Bác, nước mắt của con người hòa với nước mắt của đất trời tiếc thương Người vô hạn!
Nhớ về Bác, em càng thấm thía lời dạy năm xưa của Người: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Em hiểu, Bác kì vọng ở thế hệ chúng em rất nhiều!
Phạm Quốc Hưng lớp 5A3